Emotion · USA

Nước Mỹ của tôi…


222971_181354668580583_180676441981739_407032_2384298_n

Có một ngày tháng Tư, tôi sững sờ nhận ra mình đã ở Mỹ bốn năm rồi. Ở lâu tới mức, bản thân cũng không còn đếm từng ngày, từng tháng, từng năm… Ở lâu tới mức, tôi cũng chẳng còn nhớ nhà trừ những dịp lễ Tết.

Người phương Tây có câu nói: “Home is where the heart is” (tạm dịch: Nhà là nơi trái tim ở đó). Tôi tin rằng khi bạn gắn bó với một nơi nào đó quá lâu, bạn ắt sẽ có tình cảm với nơi ấy, dù là nhiều hay ít. Cho dù tâm trí bạn vẫn hướng về quê hương nơi xa, trái tim của bạn tồn tại ở khoảng không gian nơi bạn đang sống, và bạn sẽ học cách yêu thương nơi đó từng chút, từng chút một. Và kể cả khi bạn ghét cay ghét đắng nơi mình đang sống, nhưng ở một thời điểm khác trong cuộc đời, bạn sẽ nhìn lại và biết ơn những bài học, ký ức nơi đó dành cho mình.

Ngày bé, tôi rất ghét Mỹ. Tôi không thấy đây là một điều gì đáng để khoe khoang hay tự hào cả khi tôi đang sống và học tập tại Mỹ, nhưng nó là một phần ký ức mà tôi không muốn chối bỏ. Tôi ghét Mỹ vì trong quá khứ, họ xâm chiếm quê hương của tôi, tàn phá mảnh đất yêu thương nơi tôi sinh ra, hành hạ những đồng bào cha chú của tôi, còn nước Mỹ hiện đại trong mắt tôi là một lão trung niên ngoài 30 ham lợi lộc, độc tài, thiển cận, nhạt nhẽo, là nhân viên phân tích tài chính ở phố Wall. À không, có lẽ phải là CEO một công ty truyền thông độc quyền nào đó thì đúng hơn, giống Apple chăng?

Theo thời gian, người Việt Nam dần học cách quên đi vết thương của chiến tranh. Đó là khi mà TV xuất hiện nhiều phim Mỹ, nhạc Mỹ, sách giáo khoa dần thay thế Anh-Anh truyền thống bằng Anh-Mỹ. Tôi vẫn nhớ tôi đã ghét cay ghét đắng khi phải dùng từ “soccer” thay vì “football”, phải dùng “mom” thay vì “mum” v.v. Tôi cũng từng bĩu môi dè bỉu cái cách mà người Mỹ nói về cuộc chiến tranh tại Việt Nam, họ hoàn toàn phủ nhận thất bại trước sự chống trả kiên cường bất khuất của người dân Việt Nam. Tôi cũng từng khóc cạn nước mắt khi hoàn cảnh gia đình không cho phép tôi được đi Anh mà lại tới nước Mỹ đáng ghét du học.

Thế nhưng, tôi đã ở Mỹ bốn năm rồi. Và con người ta không phải là lá cỏ… con người có trái tim. Ngày ngày tôi vẫn cười vào những thói xấu của người Mỹ, Tôi cũng buồn khi nước Mỹ gặp nạn, khi những người Mỹ vô tội ngã xuống, khi nguy hiểm có thể ập đến với chúng tôi bất cứ lúc nào. Mãi mãi là người Việt Nam, nhưng trái tim tôi có cả sự gắn bó và lưu luyến dành cho Mỹ và TQ.

Luc những vụ nổ đang xảy ra ở Boston, tôi đang ngồi yên bình ghi bài trong lớp Psychology. Chúng tôi vẫn đang nói về “quá trình học” của động vật mà chẳng mảy may biết gì tới chuyện kinh hoàng đã xảy ra ở giải marathon lớn nhất nước Mỹ hàng năm, ở một trong những thành phố lâu đời cổ kính và nổi tiếng bậc nhất của Mỹ. Một cô bạn Mỹ cột tóc đuôi ngựa ngồi phía trước còn đang mả mê lướt Twitter. Tôi không có ý đọc trộm, cũng không muốn đọc những gì cô ấy viết, nhưng khi nhìn lên bảng, đập vào mắt tôi là comment của cô ở một status với vài chữ ngắn ngủi: “sitting in psy now is killing myself.” Cùng một thời điểm, có người hoảng loạn òa khóc trong đau đớn, có những người vẫn bình thản nghe giảng và nói chuyện phiếm.

Tháng này tôi đã ra rạp xem tổng cộng hai bộ phim: GI Joe 2Olympus has fallen. Có lẽ vì ảnh hưởng của hai bộ phim này mà sự kiện xảy ra ở Boston ngày hôm nay có ảnh hưởng sâu sắc hơn tới tôi. Thực sự từ đáy lòng mình, tôi thấy rất thương những người vô tội không may mắn và gia đình họ phải hứng chịu hậu quả từ những kẻ điên cuồng vô lương tâm. Tôi cũng sợ một ngày nào đó tôi là một trong số họ và tôi luôn bất an bởi ý nghĩ những cuộc chiến sẽ tới bất cứ lúc nào khi các mối quan hệ căng thẳng đang trong thời kỳ dồn nén nhất. Chỉ cần một tên lửa, một quả bom, một tiếng súng phát động, hay là một tiếng đập bàn quyết định khai chiến…

Thế mà thật buồn khi nhiều người lợi dụng những sự kiện xã hội thế giới để phân biệt chủng tộc, kỳ thị mạt sát lẫn nhau. Trước bất hạnh thống khổ của kẻ khác, họ chỉ biết mỉm cười tự đắc, thở phào nhẹ nhõm khi mình không phải nạn nhân. Tôi chỉ mong muốn một cuộc sống hòa bình cho nhân loại, còn bao người đói khổ bệnh tật, con người ta sinh ra đã đối mặt với bao thảm họa gian nan rồi, chẳng lẽ chưa đủ khổ hay sao còn muốn tàn sát lẫn nhau? Hàng ngày vào đọc báo, luôn chỉ thấy những vụ giết người, cướp của, hiếp dâm, khủng bố, phải chăng nhiều người đã quên mất cách đối xử tốt với đồng loại?

Tôi không thích bàn luận tới chính trị-xã hội cao siêu bác học, không thích bình phẩm, phân tích hay tranh cãi, nhận xét, đôi co với người khác. Đơn giản là tôi chỉ thấy đau lòng, thấy sợ hãi, sợ cuộc đời, sợ loài người. Quả thực, chính con người mới là loài động vật dã man, tàn rợ nhất, tự tay hủy hoại công trình mà tổ tiên đã tạo dựng nên hàng ngàn năm!

Bình yên nhé nước Mỹ đã bao bọc tôi suốt bốn năm qua… cũng xin đừng gieo rắc thêm những đau thương cho kẻ khác… Oan oan tương báo, biết bao giờ mới hết?

4 thoughts on “Nước Mỹ của tôi…

  1. Làm mình nhớ đến ước mơ hồi nhỏ. Change the world. Lúc đó chỉ nghĩ rằng cs này thật quá nhàm chán. Muốn thay đổi. Nhưng mà giờ thì cũng ko còn mơ viển vông như vậy nữa. Càng sống càng hiểu, nhàm chán chỉ là 1 phần rất nhỏ tr cs, do cảm xúc con người tạo ra. Chính thực tế đã làm mình chẳng muố nghĩ , chẳng muốn care nữa. Thiết nghĩ chẳng nói đâu xa như Mỹ, ngày Việt Nam, hòa bình rồi thì những vụ giết người, hại người, thậm chí sự vô cảm nhiều phải gấp mấy lần hồi còn trong chiến tranh. Chị dù sao cũng chú ý nhé. Mấy lần nghe thời sự về mấy vụ bom ở Mỹ. Tự nhiên cứ giật thót.

    1. Sống chết có số cả e ạ. Nói là chú ý thế nhưng mà chẳng có ai ngờ đâu, cứ nhìn những người vô tội chết oan trong những vụ kiểu thể này thì đủ hiểu rồi…

Leave a comment